Trương Hiểu Kí hỏi: "Chuyện này thì liên quan gì tới hôn sự của chúng ta?"
Lô Bán Nhi ngồi trên miệng giếng, nhẹ nhàng chải đầu cho Trương Hiểu Kí. "Bởi vì theo truyền thuyết, bảo vật vị cao nhân ấy đưa cho Ma giáo chính là Bích Ngọc Sơ (chiếc lược bằng ngọc bích). Vật này mỗi đời đều do nữ nhân cất giữ. Đời trước nó thuộc về mẹ thiếp, mẹ thiếp mệnh danh là Trưởng Công Chúa, ngày xưa võ công trác tuyệt bậc nhất. Tới đời này thì truyền cho thiếp."
Tiếp đấy Lô Bán Nhi khẽ mỉm cười: "Giờ đây nó đang chải tóc chàng đó."
Trương Hiểu Kí ngạc nhiên quay đầu, nhìn lại chiếc lược hết sức bình thường kia, hỏi: "Chính là vật này sao?"
Đấy rõ ràng là một chiếc lược sừng, không phải ngọc bích gì cả. Lô Bán Nhi thấy hắn đang nghi ngờ, lại cười nụ nói: "Thực ra tên thật của chiếc lược này là Tất Ngộ Sơ, những tin đồn nhảm đã biến nó thành Bích Ngọc Sơ đó." ("Tất ngộ" và "bích ngọc" đọc âm Quan Thoại như nhau).
Nói rồi, khuôn mặt nàng hòa thêm đôi phần say mê: "Theo truyền thuyết, người con gái giữ chiếc lược này đến một ngày nào đó nhất định sẽ gặp được mối tình tuyệt vời nhất thế gian, do đó nó mới có tên là Tất Ngộ Sơ - Lược Ắt Gặp (Tất: nhất định, Ngộ: gặp, Sơ: lược). Mẹ thiếp đợi cả đời mà chẳng thấy, nào ngờ, thiếp đợi được."
Nàng nói xong, gương mặt ửng hồng. Nàng đợi được rồi, nhưng tại sao vừa mới có lại sắp mất đi? Trương Hiểu Kí nhẹ tựa đầu mình lên gối Lô Bán Nhi. Bọn họ một ngồi trên bờ giếng, một ngồi dưới đất, cả hai đều lặng yên không nói thêm gì. Mảnh trăng cao vời trên kia vẫn tỏa ra ánh sáng thanh tao u nhã. Hồi lâu, Trương Hiểu Kí cất tiếng hỏi: "Tại sao cả thế giới này vẫn lưu truyền và chờ đợi mối tình sinh tử không rời, nhưng với chúng ta bọn họ lại nghiến răng bóp nghẹt. Tại sao khi còn nhỏ sư phụ hết sức cổ vũ ta luyện thành tuyệt thế kiếm pháp, vậy mà ta luyện được rồi người khác lại sợ hãi đến thế. Tại sao vị cao nhân ấy ấp ủ lý tưởng tuyệt thế, muốn xây dựng thiên đường ở nhân gian nhưng cuối cùng người ta lại bức bách ông phải lánh xa? Tại sao?"
Lô Bán Nhi nhè nhẹ vuốt mái tóc hắn, khẽ than: "Bởi vì: Tuyệt thế ái tình đối với cơm áo gạo tiền của mỗi người, đối với khoảng cách tình cảm lửng lơ giữa yêu và không yêu, chỉ là cung đàn lạc điệu, hay là sự thúc ép tâm lý. Tuyệt thế ái tình cao cả đến nỗi làm cho người ta tự ti hay tuyệt vọng. Không ai thực sự hy vọng hay tin tưởng thế gian này có người nào đạt đến tuyệt thế ái tình. Khi chàng thực sự luyện thành tuyệt thế kiếm pháp, trật tự vốn có của Ngũ phái Tam minh sẽ bị đánh đổ, những kẻ thủ lợi trong trật tự này không muốn thấy thế. Cao nhân kia coi thường nhục thể, theo đuổi thiên đường của tinh thần thuần túy. Nhưng những người còn lại không giống vậy nên lý tưởng của ông sao có thể lưu truyền rộng rãi được. Mọi người vẫn còn lưu luyến những dục vọng và khoái lạc mà mình có, lưu luyến cái nhục thể đầy rẫy xấu xa, ô trọc. Chàng có thể hiểu, nhưng chàng không thể nào nói ra."
Nói đoạn, Lô Bán Nhi mỉm cười: "Do đó người trên thế giới này suốt ngày vẫn lải nhải rằng muốn có ái tình mà lại chẳng hề tin tưởng vào lý tưởng ấy, tuyệt kiếm ấy."
Nàng và Trương Hiểu Ký đối mắt nhìn nhau: "Bọn họ, chẳng qua chỉ là Diệp công mê rồng* mà thôi."
Tình yêu đích thực cũng như con rồng có thực, hoặc bay tít trời cao, hoặc ẩn mình vực sâu. Người suốt ngày mơ mộng cảnh giàu sang quyền thế thì không thể nào thực sự nhìn thấy rồng được. Mà nếu thấy rồi lại đâm sợ, xem như yêu ma, xem như điềm gở. Tình yêu đích thực chính thực rất đơn độc!
Vừa khi ánh sáng nhợt nhạt của buổi sớm mai lan đến là lúc hai người sắp phải phân ly, Lô Bán Nhi chợt thốt: "Hiểu Kí, đôi ta còn một cơ hội mong manh nữa."
Trương Hiểu Kí tinh thần chấn động. Lô Bán Nhi nói khẽ: "Nghe nói chiếc lược này khi thấm đẫm nước mắt của tình nhân, hạt sương lúc ban mai và hơi khí mù ẩm ướt, thêm vào nước của giếng Thanh Ti sẽ có thể trị lành mọi vết thương của người thế tục, phá đi những cấm chế của võ công bị phong bế."
Trương Hiểu Kí mắt sáng lên, Lô Bán Nhi cười nói: "Còn không mau lấy nước!"
Trương Hiểu Kí cúi xuống múc lên một gàu nước, sau đó hắn nhìn Lô Bán Nhi cười trêu: "Chỉ có điều, đang yên đang lành có lý do gì để nàng rơi lệ chứ?"
Lô Bán Nhi cũng cười theo. Nàng nhìn khuôn mặt trẻ trung chân thật đang mỉm cười, nhìn sâu vào, nhìn sâu nữa, một nỗi xúc động liền trào dâng. Nàng không khóc được sao? Nước mắt nàng rơi xuống, nhỏ lên chiếc lược, những giọt lệ ấy thấm vào từng răng lược một như thể muốn ôm giữ, ghi nhớ một nỗi niềm gì đấy. Dòng lệ của Lô Bán Nhi tựa chuỗi hạt châu đứt dây nối. Nàng đâu có thương tâm, nàng chỉ, không hiểu vì sao, nàng chỉ - muốn khóc mà thôi.
Trương Hiểu Kí tâm tình khuấy động, ngây ngốc nắm lấy tay Lô Bán Nhi... Nếu như được một đời ôm ấp, một đời nắm giữ... Không hiểu sao, trong tâm trí Lô Bán Nhi chợt hiện ra câu thơ:
Cát sanh mông sở
Liêm mạn vu dã
Dư mĩ vong thử
Thùy dữ độc đán...<nowiki>**</nowiki>
Dây sắn phủ bụi gai
Cỏ liêm lan ngoài ruộng
Chồng ta đi biền biệt
Thui thủi cùng sớm mai... - hieusol dịch.
Chẳng phải quá bi thương sao, nàng muốn nghĩ đến mấy câu tiếp sau:
Giác chẩm sán hề
Cẩm khâm lạn hề
...
Bách niên chi hậu
Quy vu kì cư...<nowiki>***</nowiki>
Gối sừng rực rỡ này
Chăn gấm tươi đẹp này
...
Trăm năm rồi trôi hết
Bên mộ người là em - hieusol dịch.
...
Đấy là những dòng thơ thê lương mà mĩ lệ nhất nàng từng đọc: Phụ nữ một ngàn năm trước đã ngâm lên như vậy, một đời chung chăn gối, trăm năm sau cùng nhau về đất!
Đột nhiên nơi bờ tường bay lên một làn mây đen, Trương Hiểu Kí và Lộ Bán Nhi không hề phát hiện ra, đến hảo thủ Ngũ phái Tam minh phòng vệ bên ngoài cũng đều không kịp cảnh giác. Khối mây đen ấy chầm chậm bay vào, lặng lẽ tiến đến bên giếng hướng về đôi tình nhân, tiếc rằng đôi lứa này không hay không biết.
Tiến sát đến nơi, từ trong đám mây một bàn tay màu đen vươn ra, kế đến chỉ nghe một tiếng "Ùm", một người đã ngã xuống giếng, tiếp đó một giọng nữ nhân thét lên: "Cha!"
Đám mây đen kia huyễn hóa thành hình người. Đây là Thiên Âm đại pháp của Ma giáo, chỉ nghe người đấy nói: "Con gái ta không thể gả cho người của Vân Phù thế gia được."
Lô Bán Nhi cười đau khổ, cười thê lương, cười như khóc... Đúng vào thời khắc cuối cùng, người trong Ma giáo lại đến... Ngay cả Ma giáo cũng không chấp thuận mối tình vượt qua giáo điều. Hỡi nhân thế! Nước mắt nàng rơi như mưa. Nàng là yếu nhân của Ma giáo nên hiểu rằng không một ai có thể thoát thân khỏi giếng Thanh Ti. Giếng này có ma lực, không ai có thể thoát ra! Nước mắt nàng nhỏ xuống lược, người nàng vừa mới dùng lược chải tóc cho giờ đã không thấy đâu. Nàng ném chiếc lược xuống giếng... "Tất ngộ", "ắt gặp", vậy chuyện gì là "tất ngộ"? Cái điều không thể né tránh chính là mối tình đau khổ này, là tình yêu tuyệt đối này sao?
Tất ngộ ái thì tất thương tâm
Cảnh cảnh trường thiên hựu nhất nhân...
Ắt trót yêu thời ắt thương tâm
Trời cao thăm thẳm một cô thân...
Lô Bán Nhi đau đớn ngã xuống...
Loáng thoáng, nàng nghe thấy cha nói đầy hào khí: "Ngũ phái Tam minh thì làm đươc gì, rốt cuộc vẫn phải nhờ ta giải quyết. Người ngoài viện nghe cho rõ, đây là con gái của ta, bất kể ai cũng không được động vào. Hà, con gái ngốc của ta, để nó đau đớn một chút cũng tốt, trái tim đau một lần thì sẽ chai cứng đi thôi."
... Nhưng chẳng ai biết rằng, một trái tim đã từng yêu sẽ vĩnh viễn không bao giờ chai cứng được.
Chú giải:
* Điển tích "Diệp công hảo long" (Diệp công mê rồng)
Thành ngữ "Diệp công mê rồng" xuất xứ từ phần sách "Tân tự - Tạp Sự" của Lưu Hướng đời Hán.
Thời Xuân Thu có người họ Diệp tên Tử Cao si mê rồng thành bệnh. Quần áo, vũ khí đều mang hình tượng rồng, xà nhà, cột trụ đều điêu khắc hình rồng. Thiên long trên thiên giới thấy có người si mê rồng như vậy bèn quyết định xuống thăm. Một hôm, thiên long hiện xuống nhà Diệp Tử Cao, chui đầu vào cửa sổ, duỗi đuôi vào tận trong nhà.
Diệp Tử Cao vừa thấy thiên long, mặt như chàm đổ, hồn phi phách tán. Nguyên do là Diệp Tử Cao không phải thật sự yêu thích rồng, mà chỉ si mê hình tượng rồng mà thôi.
Thành ngữ "Diệp công mê rồng" gốc từ câu chuyện này thường dùng để thí dụ người nói một đàng làm một nẻo, khẩu thị tâm phi.
** Bài thơ "Cát sinh 1" - Khổng Tử, thuộc Kinh Thi.
Bản gốc câu 4 là "Thùy dữ độc xử" - Thui thủi cùng ai ở nơi đây, trong truyện t/g đổi thành "Thùy dữ độc đán" - Thui thủi cùng ai đây trong buổi sớm.
Bài thơ "Cát sinh 3" (hai câu đầu) và "Cát sinh 4" (hai câu sau) - Khổng Tử, thuộc Kinh Thi.