Bao Công cũng lên kiệu mà về phủ Khai Phong, về tới nơi, lập tức thăng đường, đem Hà Thường Hỉ ra hỏi, Hà thái giám liền đem mọi việc ra khai rõ cả, chẳng dám giấu điều gì. Bao Công hỏi xong trở vào thư phòng bàn luận việc ấy với Công Tôn Sách và Triển Hùng Phi. Hai người đều nghi cho Bạch Ngọc Đường làm việc ấy.
Rạng ngày Bao Công vào chầu, tâu lại những lời của Hà Thường Hỉ. Vua Nhân Tôn nghe tâu hết sức vui vẻ, khen rằng: "Người ấy tuy làm nhiều điều ám muội, song có ý giúp phải trừ tà, khanh không cần phải phòng ngừa cho lắm, chỉ làm thế nào mời được người ấy cho trẫm xem". Bao Công vâng chỉ, trở về truyền lại cho các viên chức trong phủ. Ai ai cũng muốn lập công. Triệu Hổ nhớ lại chuyện giả ăn mày lúc xưa thời khoái chí lắm, quyết phen này giở miếng cũ, bèn thay hình đổi dạng làm đứa ăn mày, song không giữ kín ra nơi vắng vẻ như trước mà cứ đường đột trong phủ đi ra, khiến cho ai nấy thấy cũng tức cười, kẻ đi đường và con nít kéo theo cả lũ, chỉ trỏ cười ngạo um sùm.
Thật là:
Quyết săn cọp dữ, phải có thợ nghề,
Muốn chọc người tài, phải dùng thế ấy. Triệu Hổ giả dạng ăn mày, ra khỏi phủ thấy dân chúng theo coi đông lắm, thời tức mình đi lẹ như bay được vài dặm đường, nhìn lại bốn bề vắng vẻ, cảnh tượng đìu hiu, mặt trời đã lặn, lại thêm gió bấc thổi lạnh lẽo rút ruột. Bấy giờ Triệu Hổ không muốn đi nữa, tính kiếm chỗ nằm núp gió, may sao bên cạnh đường có cái miếu hỏng cửa xiêu vách đổ, chỉ trơ trọi cái khung, và những chân tường lồi lõm rong rêu. Triệu Hổ vào nằm ở đó, bỗng thấy có một người ăn mặc lam lũ không khác gì mình, hai tay ôm một mớ cỏ khô, đi xăm xăm lại bên gốc liễu, quăng mớ cỏ vào bộng cây, rồi nhảy lên nằm. Một lát cũng có một người ăn mặc như người trước, cũng ôm cỏ lại bộng cây liễu, quăng vào, té ra ở trong đã có người nằm rồi, vừa muốn đi chỗ khác, thời người ở trong mời vào nằm chung, sẽ có chuyện đàm đạo. Người vào trước nói: "Một mình tôi ở đây thời ngủ sớm, có anh lại, ngồi dậy nói chuyện chơi".
Người vào sau đáp: "Nghĩ con người ở đời giàu có mà chi, ngàn gian nhà rộng, chẳng qua ngủ một chỗ mà thôi, sao hơn được chúng ta nghèo khổ mà được chỗ ấm áp như vầy, dẫu cho kẻ quản bảo trong phủ, dầm sương giãi gió thời có hơn gì?". Triệu Hổ nghe chúng nó nói xóc mình tức lắm, muốn chạy lại nằm chung một ổ chơi. Vừa đi tới gốc liễu thời nghe hai người nói với nhau rằng: "Cho đến đường đường một vị thừa tướng cũng chưa ắt ở tại phủ Khai Phong nhắm mắt ngủ cho yên, nữa là người ấy". Người kia bèn hỏi rằng: "Tại sao mà tướng gia lại ngủ không yên giấc?". Người nọ đáp: "A, anh không biết hay sao, mới đây trong cung có xảy ra việc Tổng quản bị giết và đề thơ ở đền Trung Liệt nên Thánh thượng giao cho phủ Khai Phong tra xét, như vậy làm sao tướng gia ngủ yên được?". Người kia nói: "Ối! Chuyện đó tôi biết lắm, song không dám lên phủ để bày tỏ ". Người nọ lật đật hỏi: "Anh sợ cái gì, anh cứ thuật cho tôi nghe tôi sẽ giúp anh". Người nọ đáp: "Không, mà chưa biết đúng hay không. Anh có nhớ ở đường Cổ Lầu có nhà trọ tên là Kiết Thăng điếm, có một người khách tới ở, hình dung tuấn tú, tuổi tác trẻ con, cỡi ngựa mây, tùy tùng đông, mướn một căn nhà rất rộng, cùng nhau ở trọ. Nghe nói người ấy họ Tôn, có mối mang gì ở trong cung, không rõ phải chuyện ấy không?".
Triệu Hổ nghe nói mừng rỡ lắm, không còn biết lạnh nữa, lén lén ra khỏi miếu, chạy vội về phủ Khai Phong đem những lời đã nghe thưa lại với Bao Công, và xin cho sai dịch đi tra xét. Bao Công nhận lời, phái Mã Hán, Trương Long đi với Triệu Hổ tới điếm Kiết Thăng. Tới nơi Triệu Hổ phân phó sai dịch bao vây bốn phía rồi kêu tiểu nhị mở cửa. Cửa mở, chúng đã kéo ùn ùn vào, bắt tiểu nhị dẫn lại phòng của họ Tôn trói người khách ấy lại. Khách vừa thiu thiu ngủ, thấy bị trói, thời thất kinh, sau nghe nói đó là lính ở phủ Khai Phong thời mặt mày tái ngắt.
Triệu Hổ đã bắt được người rồi, bèn sai lục soát các nơi song không thấy vật gì. Chỉ có hai phong thư mà thôi. Bấy giờ Mã Hán và Trương Long ở dưới lầu đi lên, thấy vậy biết là bắt lầm bèn cầm hai phong thư lại đèn coi, thời một mặt đề là: "Bình an gia bảo", một mặt đề là: "Phụng Lương phủ thụ mật phong". Trương Long biết chuyện đã lỡ rồi không làm sao được cực chẳng đã phải giải người ấy về phủ luôn cả hai phong thư, và bẩm lại cho Tướng gia rõ.
Bao Công vội vã thăng đường hỏi người ấy rằng: "Mi tên họ là gì?". Người ấy đáp: "Tôi tên là Tòng Phước, gia nhân của quan thái thú Phụng Dương Tôn Trân vâng lệnh chủ nhân đem thọ lễ cho Bàng Thái sư. Bao Công hỏi: "Thọ lễ những món gì ở đâu?". Tòng Phước đáp: "Chỉ có tám chậu tùng cảnh, người bạn tôi là Tòng Thọ còn đem theo sau, tôi chỉ có dâng thơ mà thôi, nay tới trước phải ở tại điếm Kiết Thăng mà chờ". Bao Công nghe xong biết là bắt lầm, song nghĩ chưa ra kế để giải phóng. Triệu Hổ thấy tướng gia vừa suy nghĩ, vừa cầm hai phong thư lật qua trở lại xem bèn hỏi Tòng Phước rằng: "Bọn mi còn có đem gì với tùng cảnh ấy nữa không?". Tòng Phước nghe hỏi ngơ ngẩn không trả lời được. Bao Công thấy bộ tịch nó phát nghi, bèn vỗ án hỏi rằng:" "Gã kia còn điều gian giấu. Tả hữu đâu mau tra nó cho ta?". Tòng Phước kinh hoảng cúi đầu thưa rằng: "Xin lão gia bớt giận, tôi cứ thật khai ngay, trừ tám chậu cảnh ấy ra còn có ngàn lượng vàng ròng nữa, song e lúc đi đường chúng biết mà đoạt đi, nên chôn vào đáy chậu hoa để che mắt thịt. Ai dè lão gia mắt thánh tài thần, tôi không dám giấu, nếu không tin, xin coi trong thư thời rõ". Bao Công bèn hỏi: "Hai bức thư này gửi cho ai?". Tòng Phước đáp: "Một bức gửi cho Bàng Thái sư là ông ngoại của chủ tôi, còn một bức là nang thơ cho tôi". Bao Công nghe khai, gật đầu sai lưu Tòng Phước lại trong phủ, rồi bãi hầu trở vào thư phòng báo Công Tôn Sách viết sớ, sáng ngày đem luôn hai phong thư vào tâu Thiên tử. Vua Nhân Tôn xem xong, nghĩ chuyện này Bao Công tố giác nên không giao cho phủ Khai Phong được, phải phú cho Đại lý ti tra xét.
Quan đứng đầu ti Đại lý là Văn Ngạn Bác đem Tòng Phước ra tra, nó khai y như lời đã nói với Bao Công khi trước. Ngạn Bác liền sai sai dịch đón đường thu các lễ vật của Thái thú Phụng Dương, không cho lọt vào tay kẻ khác.
Khi đem tám chậu cảnh vào đại đường thời rõ là cành tùng uốn rất khéo léo, kết nhành đấu lá thành tám chữ "Phước như đông hải, Thọ tỉ nam sơn". Ai vô ý dòm thoáng qua không biết là cây cảnh mà nhận là chữ kết chẳng sai. Ngạn Bác truyền chúng đem chậu chữ Phước, moi ra xem không thấy vàng đâu cả. Moi hết tám chậu đều không có vàng, duy trong chậu chữ Sơn có một cái thẻ ngà, bề mặt đề chữ: "Của vô nghĩa". Bề trái đề chữ: "Biết ý nên lấy ". Ai nấy thấy vậy đều lấy làm lạ, không hiểu ý gì. Ngạn Bác liền đem Tòng Thọ ra tra. Tòng Thọ khai rằng: "Vàng ấy quả thật có, nhưng mất đi đâu không biết được. Duy lúc đi đường có gặp bốn người, dắt theo rất nhiều tùy tùng, nói rằng mình làm chức hiệu úy tại phủ Khai Phong họ Vương, Mã, Trương, Triệu. Bốn người ấy ở chung với chúng tôi, cùng ăn uống một bàn. Không rõ cớ nào, chúng tôi ăn uống xong, say mê man rồi bọn ấy đi mất, bây giờ vàng cũng hết, e bọn ấy lấy đi".
Ngạn Bác nghe khai không biết làm sao, bèn đem luôn thẻ ngà ấy, vào tâu lại mọi lẽ cho Thiên tử nghe. Vua Nhân Tôn day lại hỏi Bao Công, Bao Công tâu rằng: "Muôn tâu Thiên tử,. bốn người thường thường ở hầu tại bản phủ không khi nào đi xa, nay có việc này, chắc là có kẻ mượn tên giả mạo". Vua Nhân Tôn liền phú việc cho phủ Khai Phong tra và xuống chỉ triệu Tôn Trân về triều, còn Tòng Phước và Tòng Thọ được tha bổng.
Bàng Thái sư và rể là Tôn Vinh nghe việc ấy lập tức viết sớ xin tội, vua Nhân Tôn có đức khoan hồng nên dung xá cho. Duy có Bao Công cứ việc tra xét, nên tới ngày sinh nhật, Bàng Kiết giao cả các việc cho con rể lo liệu, mình không tiếp khách, nằm lỳ tại thư phòng, căm giận Bao Công vô hạn, lập kế này mưu nọ, hại cho được mới yên lòng. Đương lúc Bàng Thái sư nghĩ mưu định kế, chợt có tiểu đồng lên thưa rằng: "Bẩm lão gia có hai bà tới chúc thọ". Bàng Kiết nghe bẩm mặt tươi như hoa, mừng như trẻ được kẹo, ngồi nhổm dậy đi ra lan can nhìn xuống thấy Trạc Tử và Yến Hồng đi lững thững dưới đường, xiêm vàng, quần đỏ, áo lục, khăn xanh, xen với cúc sứ, hạnh, lài, thật đẹp đà chóa mắt. Bàng Kiết mê mệt với cái bóng sắc của hai nàng hầu, còn đứng dựa lan can mê mẩn, hai nàng đã dắt thị tì tới nơi.
Trạc Tử, Yến Hồng bước vào thư phòng ra mắt Thái sư và chúc mừng vạn thọ. Bàng Kiết nói: "Nay hai ái thiếp tới đây, để cùng ta chia mừng, thật là lương tiêu hi hữu vậy". Yến Hồng đáp: "Nay là ngày sinh thời của Thái sư chúng tôi xin tới đây bái lễ". Bàng Kiết nói: "Hai ái thiếp tới đây cũng đủ vui rồi, cần gì phải bái lễ". Trạc Tử, Yến Hồng cứ việc sai liễu hoàn trải nệm lông chiên rồi hai nàng làm lễ. Lễ xong chia nhau một nàng một bên hầu chuyện với Bàng Kiết, cả hai đem hết tài ra để chiều chuộng Thái sư. Lạ gì! Đêm xuân, sắc ngọc, hoa đẹp, trăng trong, dầu cho sắt đá cũng còn mềm, hà huống lửa tình ai chẳng nóng. Bây giờ Bàng Kiết đã muốn hồn hóa bướm vào chơi vườn uyển trăm hoa, nên cái vẻ âu yếm có phần lả lơi. Chưa mấy lúc mà màn loan rủ bức, trướng gấm tuôn đều.
Đương lúc cùng nhau hoan hội, dưới lầu tiểu đồng chạy rầm lên.
Thật là:
Cuộc vui chưa thỏa chí ông Bàng,
Tin khách đã giục chân chú Tiểu.